Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

HÔN TRẦM - THÙY MIÊN TRIỀN CÁI

http://diendan.daitangkinhvietnam.org/viewtopic.php?f=47&t=10473#p88063

III/ HÔN TRẦM - THÙY MIÊN TRIỀN CÁI


Hôn trầm là trạng thái ngầy ngật, buồn ngủ, mơ màng, nửa mê nửa tỉnh. Thuỳ miên là ngủ gục. Tâm ở trong trạng thái thụ động này, sự tỉnh giác và trí tuệ vắng mặt, do đó không còn khả năng tư duy hoặc tu tập, chính vì thế Thánh đạo không hiển lộ.

Hôn trầm thuỳ miên thuộc về pháp si, không những làm chướng ngại trên con đường giác ngộ mà còn là sợi dây cột trói vào sanh tử luân hồi. Bởi lẽ, ăn và ngủ vốn là hai bản năng cơ bản của mọi loài chúng sanh, còn bị dính mắc chi phối bởi hai bản năng này thì trí tuệ chưa được giải thoát hoàn toàn.

Do vậy, chiến thắng bản năng hôn trầm, thùy miên là một yêu cầu tất yếu trên con đường đi đến giác ngộ giải thoát. 

“Ngủ gục, nhác, ngáp dài,
Không vui, ăn quá độ,
Ở đây, đối chúng sanh,
Thánh đạo không hiển lộ.
Ngủ gục, nhác, ngáp dài,
Không vui, ăn quá độ,
Với tinh tấn, đoạn chúng,
Thánh đạo được thanh tịnh”
 (TƯ1,7 = [Vd.8.16])

Chính vì thế, để chiến đấu chống lại bản năng tham dục và các bất thiện pháp khác, vị Tỳ-kheo phải nỗ lực tinh tấn tu tập cả ngày lẫn đêm, thậm chí cả trong tư thế ngủ:

"Chúng ta phải chú tâm cảnh giác. Ban ngày đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh một đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh giữa, chúng ta phải nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy lại. " (TBI, 39 = [U.17.11]).

Để đoạn diệt các bất thiện pháp, thoát ly sanh tử, vị Tỳ-kheo phải suốt ngày tu tập theo dõi từng niệm tưởng. Người tu Phật nếu không tích cực đoạn trừ bản năng gốc này, sẽ dễ dàng bị chúng chi phối khiến trở thành phóng dật, giải đãi; nhất là trong môi trường độc trú biệt cư yên tịnh. 

Muốn chiến thắng triền cái phức tạp này, trước hết phải hiểu biết những nguyên nhân chính gây ra hôn trầm thùy miên. Trong kinh Tăng Chi, Đức Thế Tôn chỉ rõ năm nguyên nhân trội khiến hôn trầm thuỳ miên tăng trưởng:

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như không hân hoan, biếng nhác, chán nản, ăn quá no, tâm thụ động. Với người có tâm thụ động, này các Tỷ-kheo, hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, và hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại” (TC I, tr.12 = [I.1.2]).

Như vậy, các nguyên nhân gây ra hôn trầm thuỳ miên được nêu ra ở trên thuộc về nội tại, do từ nơi bản thân phát khởi, trong đó tâm thụ động đóng vai trò quan trọng; vì thế những yếu tố này thuộc về nội pháp hôn trầm thuỳ miên ( Cũng còn có thể do ngủ quá ít, thiếu vận động thể lực, bệnh trầm cảm, suy nhược thần kinh, thiếu máu, thiểu năng tuần hoàn não, nhược giáp, viêm xoang-mũi...- Chánh Tín). Ngoài ra hôn trầm thuỳ miên còn do những tác nhân bên ngoài gây ra và được gọi là ngoại pháp hôn trầm thuỳ miên, như do dùng các thứ thuốc, thức ăn, đồ uống có chất an thần; hoặc trong môi trường thụ động, thiếu tích cực. Trạng thái hôn trầm thuỳ miên do kết hợp cả hai nguyên nhân trong và ngoài được gọi là nội-ngoại pháp hôn trầm thuỳ miên. Vì có liên quan đến các pháp bên ngoài nên hôn trầm - thuỳ miên được xếp trong hệ thống quán Pháp.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất của Hôn trầm – Thùy miên vẫn là do tâm thụ động gây ra. Vì vậy Đức Phật cũng đã dạy rõ phương pháp hữu hiệu nhất, chủ lực nhất để chiến thắng hôn trầm thuỳ miên triền cái chính là sự tinh cần tinh tấn:

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên chưa sanh không sanh khởi, hay hôn trầm thuỳ miên đã sanh được đoạn tận, này các Tỳ kheo, như tinh cần giới, cần dõng giới, dõng mãnh giới. Người tinh cần, tinh tấn, này các Tỳ kheo, hôn trầm thụy miên chưa sanh không sanh khởi, hay hôn trầm thuỳ miên đã sanh được đoạn tận” (Sđd).

Tinh cần giới là sự tinh tấn một cách chuyên cần thường xuyên, được lập đi lập lại nhiều lần, để chống lại các cơn hôn trầm thuỳ miên xảy đến hằng ngày vào những thời khắc nhất định như: sau khi ăn no, hoặc buồn ngủ vào đầu đêm hay cuối đêm…

Cần dõng giới là sự tinh tấn mạnh mẽ hơn nữa để đối trị với hôn trầm thuỳ miên do hai ba nguyên nhân kết hợp. Ví dụ vừa ăn xong lại gặp trời mưa rả rích.

Dõng mãnh giới là sự tinh tấn vượt trội, mạnh mẽ nhất để chiến thắng những cơn hôn trầm thuỳ miên cực điểm do nhiều nguyên nhân kết hợp một lúc.

Bên cạnh đó, cụ thể hơn nữa, trong kinh Ngủ Gục (TC VII:58, tr.396 = [I.7.58]), Đức Thế Tôn dạy ngài Mục Kiền Liên bảy pháp chống lại ngủ gục:

1. Nếu đang trú trong tưởng nào khiến buồn ngủ phát khởi, không nên tiếp tục trú trong tưởng ấy nữa.

2. Quán xét suy tư chánh pháp để kích thích tâm trí hoạt động.

3. Đọc tụng kinh điển đã được học thuộc lòng.

4. Kéo hai lỗ tai, xoa bóp tay chân.

5. Lấy nước lau mặt, nhìn về phía chân trời và nhìn lên các ngôi sao đang chiếu sáng.

6. Tác ý đến tưởng ánh sáng và an trú vào tưởng ban ngày.

7. Trú tâm trên chỗ kinh hành, với các căn hướng nội với ý không hướng ngoại.

Vị tu sĩ thực hành đầy đủ bảy bước nêu trên cũng đã đến giờ đi ngủ, lúc ấy hãy “nằm như dáng sư tử, khi thức dậy phải thức dậy thật mau, nghĩ rằng “ta sẽ trú không có chú tâm đến lạc nằm ngủ, lạc nằm xuống một bên, lạc thuỳ miên” (Sđd).

Điều cần lưu ý thêm là phải quán xét để biết hôn trầm thuỳ miên của ta thuộc dạng nào, hay xuất hiện lúc nào để ngăn ngừa ngay từ đầu. Khi cảm thấy mới chớm buồn ngủ hoặc sắp tới lúc hôn trầm như thường lệ, cần nhanh chóng đối phó ngay từ đầu thì việc chống hôn trầm sẽ dễ dàng hơn. Ở đây, nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là hoàn toàn chính xác và đối trị với hôn trần thuỳ miên vẫn là sự tinh cần, cần dõng và dõng mãnh. 

Một khía cạnh nguy hiểm khác của hôn trầm thuỳ miên mà người tu thiền cần phải cảnh giác, đó là đã có những ngộ nhận xem triền cái này như một trạng thái của thiền định. Sở dĩ có sự ngộ nhận này là do người tu thiền không đúng phương pháp, chỉ biết một chiều ức chế tâm, tập trung tâm đơn thuần vào một đối tượng thiền định nhưng không có chánh niệm tỉnh giác hoặc như lý tác ý hoặc thay đổi phương pháp tu đúng lúc, do vậy tâm sẽ đi đến thụ động.

Chính Đức Thế Tôn đã cảnh giác về điều này: “Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng định, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động” (Bài kinh Kẻ Lọc Vàng, TC1, C3, 100 = [I.3.92]). Một chiều tác ý tướng định theo đúng chánh pháp còn khiến tâm thụ động, huống hồ tác ý tướng định theo kiểu tà pháp.

Như đã nói ở trên, tâm thụ động là mẹ đẻ của hôn trầm (buồn ngủ), chính vì thế khi bị triền cái này chi phối nhưng người tu không nhận biết được chúng, cứ tiếp tục định tâm trong trạng thái này sẽ khiến cho tâm bị muội lược nặng hơn nên rơi vào thuỳ miên (ngủ gục).

Cho nên, các chuyên gia tâm lý dựa theo kinh nghiệm của mình, thường khuyên những người bị khó ngủ trước khi đi ngủ hãy tập trung tâm đếm số thứ tự 1, 2, 3... nhờ vậy sẽ dễ ngủ hơn. Thực chất của phương pháp này chỉ nhằm duy trì tập trung tâm vào một đối tượng nhất định, do vậy tâm sẽ đi đến trạng thái bị thụ động. Cứ tiếp tục trong trạng thái này, tâm sẽ bị muội lược (hôn trầm) mạnh hơn và từ đây đi vào giấc ngủ (thuỳ miên) không khó khăn gì.

Những phương pháp tu thiền không phải Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ cũng hoàn toàn giống như tiến trình trên, chỉ có khác một điều là những người tu thiền tuỳ theo pháp môn của mình mà tập trung tâm đơn thuần vào các đối tượng thiền định khác nhau như đếm hơi thở, chú tâm vào cơ bụng, quán sát vọng tưởng của tâm, niệm chú, niệm tên thần thánh... Tất nhiên, dù các phương pháp và đối tượng hành trì có khác nhau, nhưng nếu cứ “một chiều tác ý tướng định” thì tất cả đều phải đi đến một hậu quả chung, đó là tâm bị thụ động và rơi vào thuỳ miên.

Tuỳ mức độ mạnh yếu của thuỳ miên mà người rơi vào cảm thấy mơ màng, hoặc hoàn toàn không còn nhận biết, hay ghi nhớ gì cả(tức là đã không có Chánh Niệm tỉnh giác - Chánh Tín). Do vậy có phái thiền gọi các trạng thái này là “vô ký” (không nhớ), “vô ký hôn trầm”, “vô ký ngoan không” (hoàn toàn giống như người ngủ mê vậy).

Thực chất của các trạng thái vô ký này cũng chỉ là các mức độ thuỳ miên nông sâu mà thôi. Chính vì thế khi rơi vào đây, người tu không còn có ý niệm về thời gian, không gian; dù trải qua mấy giờ ngồi “thiền” nhưng người tu vẫn tưởng như mới chỉ vài phút, hơn nữa khi “xuất thiền” còn cảm thấy thoải mái dễ chịu như vừa mới... ngủ dậy nên ngỡ rằng nó là định.

Chỉ có điều người ngủ mê sau khi tỉnh dậy biết mình vừa ngủ mê và nếu có nằm mơ biết mình ngủ mơ nên không có chuyện gì. Thế nhưng người tu thiền lại không biết như vậy vì họ đang ngồi tu thiền chứ không nằm ngủ, cho nên rơi vào trạng thái này họ dễ ngộ nhận rằng vừa đạt được một “tầng thiền đặc biệt”. Nếu trong trạng thái “đặc biệt” này họ “thấy” hoặc “nghe”được Phật thọ ký, Tổ ấn chứng, Bồ-tát rước đến Niết bàn đúng như mong ước bấy lâu của họ, điều này chẳng có gì là lạ.

Thế nhưng có người vì tăng thượng mạn nên lại tưởng rằng mình có kỳ duyên đặc biệt, đắc được đạo thực sự, bèn tuyên bố lập giáo khai tông dạy thiền cho người khác, chẳng đếm xỉa gì đến giới hạnh; hoặc có người cũng có nói đến giới hạnh, cũng nhắc đến “Tứ niệm xứ”, “Bảy giác chi”, “Tứ thiền”, “Tám chánh đạo” nhưng nội dung hoàn toàn khác với chánh Kinh chánh Luật, thêm bớt loanh quanh theo tưởng giải chủ quan của mình, đây mới là điều vô cùng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, một số khác cũng “đắc” được như vậy, nhưng trung thực hơn, thấy rõ tham-sân-si của mình còn y nguyên nên gọi chúng là những “ma chướng" của người tu thiền, khốn nỗi họ lại mang khẩu nghiệp ác ngữ khi dạy người khác báng bổ bậc Đạo sư theo kiểu “gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” (!) 

Tất cả các hiện tượng nêu trên chỉ là hệ quả của hôn trầm thuỳ miên triền cái, trước sau chúng chẳng có giá trị gì về phương diện giải thoát chân chánh. Trong thời Phật, các du sĩ ngoại đạo cũng không thoát khỏi tấm lưới võng triền cái oan khiên này và họ cũng “gặp” được các thần linh, tổ tiên của mình trong các trạng thái “thiền đặc biệt”. Vì thế trong kinh tạng Nikaya mới có các cụm từ “chư Thiên do tưởng làm ra” hoặc “tưởng chứng đắc”. Thực ra những hiện tượng này cũng chỉ là những “ma chướng” như người đời sau mà thôi, danh từ có khác nhau nhưng bản chất là một.

Các Tỳ-kheo Thanh văn biết rất rõ điều này vì nhờ tu đúng pháp của Phật, ngay từ đầu biết Chánh niệm tỉnh giác và Như lý tác ý, nên không bao giờ gặp phải các chứng bệnh tưởng nêu trên; và cho dù có “chứng” chăng nữa, họ cũng biết rõ bản chất của chúng và tinh tấn đoạn trừ.

Vì hôn trầm thuỳ miên cũng tạo ra các trạng thái khoan khoái hoặc mộng tưởng không khác gì giấc ngủ cho nên nó cũng hấp dẫn người tu, thế nhưng vì nó là bản năng và làm ngăn che trí tuệ nên người tu Bốn Niệm Xứ phải nhận diện rõ chúng và tích cực đoạn diệt. Tất nhiên, người tu muốn diệt trừ các “ma chướng” này, không có một cách nào khác là phải nỗ lực thực hành theo ba pháp tinh cần, cần dõng và dõng mãnh.

Trên đây là nội dung cách quán pháp tinh cần, cần dõng, dõng mãnh trên pháp buồn ngủ để đoạn trừ tham ưu do hôn trầm thuỳ miên triền cái gây ra và cũng nằm trong ý nghĩa nội dung của đoạn kinh: “Hay nội tâm có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: "Nội tâm tôi có hôn trầm thụy miên"; hay nội tâm không có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: "Nội tâm tôi không có hôn trầm thụy miên". Và với hôn trầm thụy miên chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét